top of page

SEARCH RESULTS

257 results found with an empty search

  • SEL Là Gì? Tìm Hiểu Về Giáo Dục Cảm Xúc và Kỹ Năng Xã Hội Cho Trẻ Em và Người Lớn

    Học về Cảm xúc và Tương tác xã hội (Social and Emotional Learning/SEL) là một quá trình thông qua đó trẻ em và người lớn: Phát triển nhận thức về bản thân và quản lý cảm xúc của mình, thiết lập và đạt những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống cá nhân và trong học tập, Sử dụng nhận thức xã hội và các kỹ năng giao tiếp để thiết lập và duy trì các mối quan hệ tích cực, Thể hiện khả năng ra quyết định và những hành vi có trách nhiệm để đạt được thành công trong học tập và cuộc sống. 5 năng lực SEL cốt lõi Một chương trình SEL tiêu chuẩn phải bao quát 5 năng lực cốt lõi sau đây: Tự nhận thức: Biết những điểm mạnh và hạn chế của bạn, với tinh thần tự tin, lạc quan và nền tảng tư duy phát triển. Tự quản lý: Quản lý hiệu quả căng thẳng, kiểm soát các xung động, thúc đẩy bản thân thiết lập và đạt được các mục tiêu. Nhận thức xã hội: Hiểu quan điểm của người khác và đồng cảm với họ, bao gồm cả những người từ các nền tảng và văn hóa đa dạng. Kỹ năng tạo lập mối quan hệ: Giao tiếp rõ ràng, lắng nghe tốt, hợp tác với người khác, chống lại áp lực xã hội không phù hợp, đàm phán xung đột một cách xây dựng, tìm kiếm và đề nghị giúp đỡ khi cần thiết. Ra quyết định có trách nhiệm: Đưa ra các lựa chọn mang tính xây dựng về hành vi cá nhân và các tương tác xã hội dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức, an toàn và các chuẩn mực xã hội. Đó là 5 năng lực cốt lõi mà khi được ưu tiên (không chỉ trong lớp học, trường học mà còn tại gia đình, cộng đồng và các môi trường rộng lớn hơn) có thể giúp con người GIÁO DỤC CHO TRÁI TIM, TRUYỀN CẢM HỨNG CHO SUY NGHĨ và có cuộc sống hạnh phúc, thành công hơn. Nguồn tham khảo: https://casel.org/ Mời các thầy cô đón xem phần 2: Vì sao SEL quan trọng và cần thiết? 5 ví dụ về chương trình giáo dục SEL trên thế giới.

  • Cô Phạm Thúy Hằng: Hành Trình Từ Sự Hoài Nghi Đến Niềm Đam Mê Giảng Dạy

    Trước đây, trong suy nghĩa của tôi chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm giáo viên. Năm lớp 6 tôi được học một cô giáo Tiếng Anh, cô không chỉ xinh đẹp, giọng nói nhẹ nhàng,ấm áp mà chính cô đã truyền cho tôi tình yêu với môn Tiếng Anh. Và tôi đam mê, say sưa với môn học đó, tôi trở thành học trò cưng của cô. Tôi tự hào, khi đi đâu cô cũng lấy tấm gương chăm chỉ, chịu khó học của tôi để kể cho các học sinh lớp khác. Đến năm lớp 12, thi đại học tôi vẫn có những băn khoăn khi chọn ngành, chọn nghề. Năm đầu tiên, tôi thi Đại học Ngoại ngữ Huế nhưng cánh cổng trường ĐH đã không mở ra chào đón tôi. Tôi quyết tâm, ôn thi lại nhưng vẫn không nghĩ mình sẽ làm giáo viên. Và khi tôi đưa ra đăng kí lựa chọn ngành Sư phạm giáo dục Tiểu học là do không biết chọn ngành nghề nào phù hợp, chọn ngành này vì chị hàng xóm học trước 1 khóa đã thi đậu và đang học. Vậy là sự lựa chọn này đã đem đến cho tôi một kết quả tốt đẹp, cánh cổng Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã chào đón cô bé nhà quê nhỏ nhắn, rụt rè bước vào một thế giới mới. Suốt 4 năm chăm chỉ học hành, khi đã được cầm trên tay tấm bằng đại học. Tôi lại đứng trước những băn khoăn: ở lại Đà Nẵng lập nghiệp hay về quê xin việc để được gần gia đình. Cuối cùng, tôi đã mạnh dạn đưa ra quyết định đó là ở lại Đà Nẵng để xin việc. Ra trường năm 2010, tôi được phân công về một ngôi trường ở xa trung tâm thành phố, từ phòng giáo dục nhận quyết định đến ngôi trường đó chỉ cách 3km. Nhưng đi trên con đường đầy đất đỏ, hỏi đường để tới được ngôi trường nằm sâu trong làng là một hành trình đầy gian nan. Khi hỏi , ai cũng lắc đầu, không biết đó là ở đâu. Cuối cùng, sau hơn 1,5 tiếng hỏi đường tôi đã tìm được ngôi trường mà tôi sẽ dạy. Khi quay về, trời mưa tầm tã, đất đỏ dính chặt bánh xe và nước mắt hòa trong nước mưa. Và lúc đó tâm trạng tôi thực sự bị xáo trộn, không biết là xui xẻo hay sao mà mình lại phải về một ngôi trường xa xôi, khó khăn như thế này. Nhưng chính ngôi trường này, đã cho tôi tình yêu thương từ những người đồng nghiệp, đã tạo cho tôi môi trường tốt nhất để làm việc. Nhưng suốt 13 năm trôi qua, tôi vẫn trăn trở khi mỗi giờ đến lớp: Phải làm sao để đem đến cho học sinh những giờ học vui vẻ, hạnh phúc. Và cuối cùng, Tôi biết đến khóa học Người truyền lửa như một chiếc phao cứu sinh cho tôi. Từ một giáo viên vào lớp là cau có, nóng giận, chăm chăm nhìn vào lỗi của học sinh, tôi mỉn cười nhiều hơn. Tôi quyết tâm mỗi tiết học sẽ cười nhiều hơn 1 chút, 1 chút thôi sẽ thấy mọi điều đơn giản, nhẹ nhàng hơn, cảm thấy học sinh của mình đáng yêu hơn, bao dung hơn với lỗi lầm của học sinh. Và chính lứa học sinh năm nay, đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc, nhiều hành phúc trong cuộc đời đi dạy của mình. Bản thân tôi, Khi bước chân vào NGƯỜI TRUYỀN LỬA, trước mỗi giờ học lên lớp thì câu hỏi đặt ra của tôi là hôm nay nên tổ chức gì cho học sinh, nếu không có gì thì tự thấy tiết học của mình thật nhàm chán. Bản thân tôi đã mạnh dạn thay đổi phương pháp tổ chức, dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá. Tuy chưa có nhiều hiện thực nhưng bản thân tôi đang cố gắng mỗi ngày. Tôi được gặp cô Ngọc và đồng đội NGƯỜI TRUYỀN LỬA mỗi sáng sớm thứ 2, 4, 6, chủ nhật; được cộng hưởng và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn với các anh chị nhóm N28 – Tiểu học. Bên cạnh đó vào sáng chủ nhật, tôi được quay vào bản thân của mình nhiều hơn, cội nguồn của cuộc sống là chính tôi. Bản thân tôi phải thay đổi thì tôi mới hạnh phúc, học sinh của tôi mới hạnh phúc. Vô cùng trân trọng biết ơn Cô Khánh Ngọc cùng gia đình Người truyền lửa thân yêu.

  • Quê Hương Là Gì Hở Mẹ? Cảm Nhận Về Quê Hương Việt Nam Trong Lòng Mỗi Người

    Đặt vấn đề (2p): Có một tác giả rất nổi tiếng - Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết nên 4 câu thơ như thế này: «Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều» Vậy, theo con, quê hương là gì ? Hôm nay, cô cùng các con sẽ cùng nhau tìm hiểu chủ đề này để trả lời cho tác giả nhé ! Hoạt động 1 - Quê hương trong con là… (5p) - Yêu cầu HS nhắm mắt lại và lắng nghe tiếng nhạc du dương, hình ảnh gì hiện lên trong đầu con khi con nghĩ đến 2 chữ Quê hương ? Hình ảnh ấy mang lại cho con cảm xúc gì ? (1 phút) - Yêu cầu HS ghi nhanh ra giấy/vở hình ảnh và cảm xúc mình vừa cảm nhận (1p) - Gọi một số HS chia sẻ. Quê hương trong con là…(3p) - HS: có thể đưa ra nhiều hình ảnh và cảm xúc khác nhau như hình ảnh mẹ, những bữa cơm gia đình, những lần được về quê…; cảm xúc thấy ấm áp, gần gũi… GV ghi lại những điều đó lên phần nháp của bảng. Hoạt động 2 - Ấn tượng quê tôi! (15p) 2.1. Hoạt động cá nhân (2p): GV phát phiếu cho mỗi HS. HS hoạt động cá nhân, trả lời 03 câu hỏi bằng cách viết vào phiếu của mình. Câu hỏi Trải nghiệm của con Trải nghiệm của bạn… Trải nghiệm của bạn… (1) Quê của con ở đâu? (2) Những hình ảnh hay món ăn gì con nhớ nhất khi về quê? (3) Con tham gia những hoạt động nào ở quê? 2.2. Chia sẻ nhóm 3 (5p): Chơi trò chơi kết đoàn để tạo nhóm 3 bạn (2p), chia sẻ và ghi lại các trải nghiệm của bạn vào phiếu ghi (3p). GV sẽ gọi ngẫu nhiên 1 bạn lên chia sẻ về mình và 02 bạn còn lại trong nhóm. 2.3. Chia sẻ chung với lớp (5p): - GV gọi ngẫu nhiên 1 nhóm lên chia sẻ. Cô ghi nhanh lại tên vùng quê + đặc điểm của các vùng quê đó lên bảng. - GV gọi một nhóm khác có những vùng quê khác sao cho số vùng quê ghi lại trên bảng khá đa dạng (4-5 vùng miền khác nhau). Sau đó cô hỏi lớp có những bạn nào có quê trùng với các miền quê trên bảng. - Vậy, qua việc chia sẻ vừa rồi, các con có nhận xét gì về Quê hương? Con cảm thấy như thế nào khi chia sẻ với bạn về quê hương của mình? --> Mỗi người đều có quê hương, có thể cùng quê hoặc là các miền quê khác nhau. Những người có cùng quê được gọi là “đồng hương”. --> Mỗi miền quê đều có những đặc điểm riêng, đặc sản, truyền thống riêng …rất đáng tự hào. Hoạt động 3 – Quê hương Việt Nam (13p) - Chơi trò chơi Kết đoàn, tạo nhóm 4 người (2p) - GV dẫn dắt: Mỗi người trong chúng ta đều có thể có 1 quê hương khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đều có một quê hương chung. Đố con biết đó là nơi nào? --> Quê hương Việt Nam! - GV đưa tình huống: Giả sử con có cơ hội ra nước ngoài hoặc gặp gỡ bạn bè quốc tế đến Việt Nam, con sẽ giới thiệu những điều gì đáng tự hào của đất nước Việt Nam mình cho bạn bè quốc tế? Làm việc nhóm 4 người, cùng thảo luận và liệt kê ra 05 điều mà con tự hào nhất về quê hương Việt Nam mình. - Một vài nhóm được bốc thăm ngẫu nhiên để báo cáo, các nhóm khác bổ sung (3p). GV ghi những điều tự hào về quê hương Việt Nam mà các con tìm ra lên bảng. - GV cho HS nghe bài hát Việt Nam – Quê hương tôi! Chúng mình cùng nghe một bài hát rất hay về Việt Nam và thử xem những hình ảnh xuất hiện trong bài hát này có trùng với những điều các con vừa tìm ra không nhé. Khi nghe, các con hãy nhắm mắt lại, thả hồn mình theo tiếng nhạc và để cho trí tưởng tượng của mình được hình dung ra các hình ảnh có trong lời bài hát nhé! Và hãy để ý đến cảm xúc của mình khi nghe bài hát đó (3p). - Yêu cầu 1-2 em chia sẻ cảm xúc sau khi nghe bài hát (2p) Hoạt động 4 – Quê hương là gì hở mẹ? (7p) - Bây giờ, con lại một lần nữa nhắm mắt lại và để cho 2 tiếng Quê Hương vang lên trong đầu con. Khi nghe đến 2 tiếng đó, con hình dung ra điều gì? Những hình ảnh nào? Cảm giác của con như thế nào khi những hình ảnh ấy xuất hiện? Và con thấy mình mong muốn làm điều gì cho quê hương của mình? (1p) (trong khi HS nhắm mắt lại và tưởng tượng về hình ảnh Quê hương theo tiếng nhạc, GV vừa dẫn dắt, vừa đi các nhóm và phát cho mỗi bạn một mảnh giấy hình trái tim mà cô đã cắt sẵn) - Bây giờ, khi nghe cô đếm từ 3-1, con hãy từ từ mở mắt ra và viết vào tờ giấy có hình trái tim của mình 02 điều: (1) Quê hương trong con là… và (2) Con muốn làm gì cho quê hương mình? Để HS viết trong khoảng 02 phút. - Vậy, quay lại với 4 câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân ở đầu bài: «Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều» Con sẽ trả lời câu hỏi này của tác giả như thế nào? - Gọi 1 – 2 bạn chia sẻ những điều mà các bạn viết trong trái tim của mình. Sau đó cho cả lớp dán các trái tim đó lên tờ giấy A1 có in hình bản đồ Việt Nam (hoặc các con tự dán và tạo hình lên giấy A1 trắng; hoặc có thể để HS dán trái tim đó vào chính vở văn của mình), để mỗi lần đến lớp hoặc mở vở ra học, con lại được nhắc nhở về hình ảnh Quê hương mình (3p) - Trong khi các bạn làm, GV bật bài hát Quê hương – phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Bài tập về nhà (1p): mỗi bạn sưu tầm 03 bài hát/bài thơ/câu ca dao/tục ngữ nói về tình yêu quê hương đất nước, truyền thống tập tục của quê hương Việt Nam mình.

  • Tại sao bạn trở thành một giáo viên?

    Trong không khí tưng bừng nơi nơi chuẩn bị kỉ niệm ngày Nhà giáo, một Hội thảo nhỏ mang tên “Why become a teacher?” được tổ chức tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học quốc gia HN đã hấp dẫn tôi tìm đến, để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà tôi cũng đã ấp ủ từ lâu: Tại sao mình lại chọn lựa để trở thành giáo viên? Tại sao các bạn lại chọn lựa để trở thành giáo viên? Các bạn có từng tự hỏi bản thân điều đó? Và buổi hội thảo diễn ra xoay quanh một bài báo – một cuộc phỏng vấn giữa một chuyên gia giáo dục (cũng có 30 năm làm giáo viên) và một giáo viên, về những lý do mà người đó đã lựa chọn để trở thành một giáo viên. Cuộc hội thoại rất dài với các câu hỏi và trả lời lần lượt. Tôi thích cách người hỏi đặt câu hỏi và phản biện để người trả lời phải “viện đủ các lý do” (thực chất là giúp họ đào sâu về tư duy) để đưa ra được các câu trả lời. Và, nếu ai đó cứ hỏi đi hỏi lại bạn lý do “Vì sao bạn trở thành giáo viên?”, bạn sẽ trả lời họ như thế nào? (Nếu bạn muốn đọc toàn bộ cuộc đối thoại, bạn có thể search Google với các từ khóa Why become a teacher? Edwin and Phyllis). Dưới đây là tóm tắt lại một số các câu trả lời với các cấp độ “tăng dần”: - Trở thành giáo viên vì tôi YÊU TRẺ (có đầy người yêu trẻ, hầu hết mọi người đều yêu trẻ đấy chứ) - Trở thành giáo viên vì tôi mong muốn chia sẻ tình yêu của tôi về môn học của mình với trẻ, muốn truyền cảm hứng để HS thấy được vẻ đẹp của môn học đó (vậy các nhà khoa học cũng yêu lĩnh vực của họ và cũng muốn truyền cảm hứng để mọi người yêu nó đấy chứ! Sao họ không trở thành GV nhỉ?) - Trở thành GV vì muốn đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho thế giới (cái này chắc những người đang làm các dự án thiện nguyện, những người làm chính trị gia… thì hợp hơn hẳn???) - Trở thành GV vì mong muốn giúp trẻ trở nên TỐT HƠN so với chính bản thân chúng (hihi, bố mẹ và những người xung quanh cũng có thể làm được điều này mà!) - Trở thành giáo viên vì muốn trang bị cho trẻ các kĩ năng và thái độ sống để giúp chúng có thể thích nghi, hòa nhập với thế giới, để có một cuộc sống thành công và hiệu quả (cũng không khác vai trò của bố mẹ phía trên là mấy!) - Trở thành giáo viên để trở thành một “tấm gương” cho người học…(biết đâu bạn lại đang nêu “gương xấu” thì sao?) Cứ thế, cuộc thảo luận diễn ra với một lối dẫn dắt thật thú vị. Thậm chí có những lúc, có cảm giác rằng …chẳng có một lý do đủ tốt nào để một ai đó cần phải trở thành giáo viên! (Sẽ ra sao nếu bây giờ tất cả các GV đều biến mất nhỉ? Chả biết bọn trẻ con có …sung sướng hét ầm lên hay không? Kakaka) Và tôi ngồi đó, trong cuộc thảo luận này, vừa nghe vừa suy nghĩ, và trong lòng cảm thấy … đầy MÂU THUẪN!!! Tôi nhìn lại cuộc đời mình ở thời điểm mình đưa ra lựa chọn vào học Đại học sư phạm, cũng như nhìn lại tất cả các trải nghiệm mà tôi đã có với hàng ngàn những sinh viên sư phạm, những giáo viên Việt Nam mà tôi từng được tiếp xúc và giảng dạy, tôi nhận thấy rằng cả tôi và hầu hết những giáo viên khác, khi đứng trước lựa chọn trở thành một giáo viên, thì gần như chúng tôi chẳng có “tí liên quan” nào đến những “lý do cao đẹp” được nêu ra ở trên. Những lý do lớn nhất có ảnh hưởng đến việc trở thành giáo viên lại thường là: (1) Do gia đình có truyền thống làm nghề giáo nên mình cũng làm như một… ”nghề gia truyền”! (2) Do yêu (thần tượng) hoặc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi một người giáo viên nào đó trong những năm tháng đi học từ tiểu học đến hết THPT, nên cũng muốn trở thành một người …như họ! (Không ngoại trừ vì …ghét quá nên muốn làm GV để chứng minh điều ngược lại nhá, ặc ặc) (3) Do hoàn cảnh gia đình, học sư phạm không phải đóng học phí, nếu học giỏi còn được học bổng để ‘’đem xiền về”. (4) Do nghĩ đến “đầu ra”: có thể được nhà nước phân việc mà không phải mất công xin xỏ, chạy trọt (mặc dù bây giờ chuyện ấy chỉ xảy ra nếu bạn có đủ dũng cảm để lên tít tận vùng sâu vùng xa thì …may ra mới có cái khoản này) (5) Do được ‘’nhồi sọ” từ nhỏ (đặc biệt là con gái) rằng làm GV cho nó nhàn, chỉ đến tiết mới cần đến trường, cả đời chỉ dạy đi dạy lại (đến mức học thuộc lòng) vài chục (đến vài trăm) bài giảng; còn lại thì dành thời gian chăm chồng, chăm con. Và do vậy, nếu làm GV thì cơ may kiếm được chồng giàu, chồng “đại gia” …là rất cao (kakaka…) (6) Do bố/mẹ (hoặc một ai đó mà mình rất quý) có mơ ước làm GV nhưng không thành, thế là mình cố gắng thực hiện giúp…ước mơ của họ! (7) …. Còn những lý do nào khác nữa, các bạn liệt kê thêm giùm tôi nhé! Một cách thành thật, bạn hãy thử xem mình đã chọn bao nhiêu trong số những lý do kể trên để…bước chân vào NGHIỆP GIÁO??? Còn tôi, những lý do ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định chọn nghề giáo của tôi hồi đó (mặc dù lúc đó tôi được tuyển thẳng vào trường Y) là lý do số (2) và (3)! (Thậm chí với tôi, nó còn gần như một …ĐỊNH MỆNH!!!) Mà không chỉ có tôi, theo những gì tôi thấy hiện nay trong công tác tuyển sinh vào các trường sư phạm, thì có lẽ lý do số (3) cũng là một trong những lý do chiếm đa số. Phần lớn các em sinh viên vào trường đều xuất phát từ một vùng quê nào đó, trong một gia đình có mức sống trung bình hoặc dưới trung bình (Hiếm có HS ở phố lớn, nhà giàu mà chọn sư phạm lắm. Lớp tôi ngày xưa 81 đứa thì có duy nhất 1 đứa ở HN, còn thì toàn các tỉnh không à!) Vậy đó, lý do để những người như chúng tôi lựa chọn để trở thành Giáo viên – một nghề được coi là “Cao quý nhất trong tất cả các nghề” – dường như lại quá đỗi “bình thường như cân đường” như vậy đó! Thế nhưng, nghề giáo lại là một nghề …chẳng bình thường một chút nào!!! Bình thường sao được khi mà mỗi câu nói, hành động, cách cư xử, lối sống của bạn … ảnh hưởng đến bao nhiêu con người đã vô tình “qua tay” bạn! Người ta thường ví bạn là người đưa đò, bình thường sao được nếu “tính mạng” của mấy chục con người đang ngồi trên đò đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự an toàn của con thuyền, phụ thuộc vào tay chèo, và vào …cái tâm của bạn! Mà, bạn lại làm việc đó…tới tận 40 năm, hết chuyến này qua chuyến khác! Chết! Chết! Chết! Chậc! Chậc! Chậc! Vậy thì, vấn đề mà tôi trăn trở nhất ở đây là: Có một sự “chênh lệch” rất lớn giữa NHẬN THỨC VỀ CÔNG VIỆC và VAI TRÒ CỦA CÔNG VIỆC đó ở một người giáo viên. Sẽ ra sao nếu những người đưa đò không nhận thức được rằng TÍNH MẠNG và cả TƯƠNG LAI của tất cả các hành khách đang nằm trong tay họ? Sẽ ra sao nếu con thuyền đó không hề có phao cứu hộ, nếu người lái đò có quá ít kĩ năng chèo đò, hoặc …thích chèo đi đâu thì đi??? Và phải chăng, không thể xuất hiện ngay từ đầu trong việc quyết định lựa chọn vào nghề giáo, nhưng những gì có trong chính các câu trả lời phía trên lại chính là “phao cứu hộ”, là những điều mà một người lái đò cần hướng đến, cần trang bị cho chính bản thân mình??? Và phải chăng, thay vì dạy cho sinh viên sư phạm tiếp cận thật nhiều kiến thức và kĩ năng dạy học, các trường sư phạm nên dành nhiều nguồn lực hơn nữa để … đánh thức Ý NGHĨA và SỨ MỆNH làm “một người chèo đò” trong trái tim của các em? Miên man suy nghĩ, tôi lại quay trở lại với cuộc đối thoại trong bài báo. Tôi chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của cá nhân mình với các chuyên gia, và chúng tôi (kể cả các tác giả của bài báo) đều thống nhất rằng: ĐIỀU QUAN TRỌNG không phải là LÝ DO VÌ SAO ta trở thành một giáo viên, mà khi đã LỰA CHỌN để trở thành Giáo viên (ta tự chọn hoặc …định mệnh đưa ta đến với nghề giáo,hehe), thì chúng ta THỰC SỰ MONG MUỐN mình sẽ trở thành một người GIÁO VIÊN NHƯ THẾ NÀO? (Vậy đáng lẽ, bài báo và buổi hội thảo này phải có tên là “How is a good teacher?” hoặc “What are the characteristics of a goog teacher?” …mới đúng chứ nhỉ? Vì tất cả các câu trả lời trên đều nói đến những việc mà một GIÁO VIÊN CHÂN CHÍNH sẽ thực hiện trong cuộc đời của họ). Và với tôi, với chúng tôi, những người mà dù đến với nghề giáo bởi bất kì LÝ DO BAN ĐẦU nào, chúng tôi vẫn sẽ luôn nhắc nhở mình rằng: Mình mong muốn TRỞ THÀNH NGƯỜI GIÁO VIÊN như thế nào? Mình mong muốn được sống và làm việc trong bầu không khí nào? Mình mong muốn mỗi sáng khi thức giấc, mỗi bước chân đến trường mang lại cho mình cảm giác gì? Và cuối cùng, mình mong muốn để lại cho cuộc đời này điều gì sau khi mình đã trở về với hư vô? Để cuộc sống sẽ lại nối tiếp, nối tiếp và nối tiếp… Giờ đây, sau 15 năm trải nghiệm được làm một Giáo viên, trải qua những thăng trầm và hiểu sâu hơn về nghề, để thấy được rằng khi làm Giáo viên là lúc mình có một cơ hội tuyệt vời để rèn giũa bản thân; để mỗi ngày, mình đều có động lực để trở thành “một phiên bản tốt hơn chính mình” ngày hôm qua; để trái tim nhỏ bé của mình được nới rộng thêm ra với mỗi nụ cười, ánh mắt ngây thơ và tình yêu trong trẻo của con trẻ. Tôi thật sự thấy biết ơn cuộc đời, biết ơn ĐỊNH MỆNH đã dắt tôi đến với nghề giáo. Và, nếu như cho tôi được một lần nữa LỰA CHỌN lại, lần lựa chọn này hoàn toàn CÓ Ý THỨC (chứ không bị phụ thuộc vào một “thế lực” nào khác), tôi sẽ thành thật từ trái tim để nói rằng: TÔI MONG MUỐN NẾU ĐƯỢC SINH RA MỘT LẦN NỮA, TÔI SẼ VẪN LỰA CHỌN ĐỂ TRỞ THÀNH GIÁO VIÊN!!!

  • [Video] Khám Phá 4 Cấp Độ Của Một Giáo Viên Hiệu Quả: Hành Trình Trở Thành Người Truyền Cảm Hứng

    Trong quá trình giảng dạy, mỗi giáo viên đều mong muốn trở thành người truyền cảm hứng cho học sinh của mình. Tuy nhiên, để đạt đến trình độ này, giáo viên cần phải trải qua các cấp độ phát triển cụ thể. Theo nghiên cứu về khoa học giáo dục, người ta đã phân chia hành trình của giáo viên thành 4 cấp độ. Việc hiểu và nắm vững các cấp độ này sẽ giúp giáo viên không chỉ cải thiện kỹ năng dạy học mà còn có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong lớp học của mình.

  • 8 việc giáo viên không nên làm khi lên lớp

    Giáo viên là linh hồn của lớp học, mang trong mình trọng trách lớn lao, đồng thời cũng có những quyền hạn nhất định. Tuy nhiên, giáo viên cũng là con người, cũng có tình cảm, có suy nghĩ, nên đôi khi vẫn có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, dưới đây là 8 việc giáo viên KHÔNG nên làm khi lên lớp. 1. Nổi giận Nổi giận trong bất cứ tình huống nào cũng đều có thể biến thành một thảm họa. Đối với nền giáo dục châu Á thì điều này còn mang tiếng xấu. Tâm trạng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh, đôi khi bạn muốn giữ bình tĩnh nhưng lại không kiềm chế được bản thân. Khi bạn cảm thấy tâm trạng mình thực sự không tốt, dễ kích động thì cách tốt nhất là bạn nên tạm thời đi ra khỏi lớp học. Việc tạm thời rời khỏi lớp học để bạn cảm nhận được tình huống đang xảy ra, lúc này bạn cần tìm ra phương pháp giúp mình trấn tĩnh lại một cách nhanh nhất hoặc có thể đếm từ 1 đến 100, sau đó bạn sẽ quay trở lại lớp học và đối diện với học sinh. 2. Mất quyền kiểm soát lớp học Trong bất cứ tình huống nào cũng không nên dễ dàng để học sinh phá vỡ trật tự lớp học. Một khi bạn đã mất nó thì bạn phải mất rất nhiều công sức mới có thể lấy lại được. Đặc biệt là khi bạn cho chúng chơi trò chơi hoặc tham gia hoạt động gì đó, học sinh sẽ dễ kích động, hò hét vì quá hưng phấn. Nếu như thái độ của bạn có phần tiêu cực, dễ dãi thì chúng sẽ càng làm tới, và ngày càng không tôn trọng bạn. Khi trật tự lớp học bị phá vỡ thì bạn nên làm một động tác nào đó để thu hút sự chú ý của chúng (ví dụ: chạm vào mũi, đặt tay lên đầu...), khi nhìn thấy giáo viên như vậy, học sinh sẽ làm theo, bạn sẽ làm như thế cho tới khi tất cả học sinh trong lớp đều làm theo và lớp trở lên yên ắng. 3. Quá nhiều phiếu học tập Không nên phát cho học sinh quá nhiều phiếu học tập, không nên để chúng viết hết phiếu này tới phiếu khác, cách tốt nhất là nên thu hút học sinh tập trung vào bài học, nên tận dụng bảng đen để tiến hành dạy học. 4. Chế giễu học sinh Một điều chúng ta nên hiểu đó là không nên chế giễu học sinh, đôi khi cách trêu đùa hay bình luận cũng vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Khi lên lớp bạn cần vận dụng tính hài hước của mình để góp phần làm bầu không khí học tập thêm vui vẻ, nhưng nên biết cách vận dụng sao cho không mạng lại kết quả xấu. Bạn nên là tấm gương để cho học sinh thấy rằng không nên thỏa mãn tính hài hước của mình bằng việc chế giễu hay mỉa mai người khác. Cách tốt nhất bạn nên làm là chê ít khen nhiều. 5. Ngồi một chỗ dạy Trừ khi bạn cảm thấy mệt mỏi hay đi lại khó khăn thì mới nên ngồi 1 chỗ dạy, bởi khi bạn ngồi như vậy sẽ khiến học sinh cảm thấy bạn đang lười biếng. “ Dạy học” chính khoảng thời gian bạn dùng kiến thức để tương tác với học sinh, dẫn dắt học sinh suy nghĩ. Là một giáo viên bạn sẽ không mong rằng học sinh chỉ biết ngồi im một chỗ, tốt nhất là nên biết kết hợp giữa “động” và “ tĩnh”. “Tĩnh” là biết ngồi im lắng nghe cô giảng bài, “động” là tích cực tham gia các hoạt động, các trò chơi hoặc tham gia thảo luận. Tương tự, giáo viên cũng vậy, cũng cần phải kết hợp “động-tĩnh” hài hòa, ngoài việc đứng trên bục giảng, bạn cũng nên đi đi lại lại trong lớp để quan sát học sinh kỹ hơn. 6. Thói quen tới lớp muộn Giáo viên luôn là tấm gương để học sinh noi theo. Do vậy nhất cử nhất động của giáo viên đều ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh. Nếu như bạn thỉnh thoảng tới lớp muộn thì không sao, nhưng nếu việc đó diễn ra thường xuyên tạo thành thói quen thì sẽ khiến học sinh có suy nghĩ “tới muộn cũng chẳng sao, dù sao cô giáo cũng tới muộn mà” từ đó bắt chước cô giáo. Nếu như bạn tới muộn thì nhất định phải công khai xin lỗi học sinh, khiến chúng hiểu được tầm quan trọng của việc tới “đúng giờ”. 7. Cách dạy dập khuôn Có một số giáo viên lên lớp rất máy móc, thường chỉ đọc nguyên trong giáo án ra chứ không biết cách thiết kế các bài giảng khác nhau. Không khí lớp học trầm lắng, tẻ nhạt sẽ khiến ham muốn học hành của học sinh giảm đi, đặc biệt học ngoại ngữ thì càng phải nói nhiều, càng cần có các động tác mô phỏng, vận dụng các từ hoặc các câu đã học để ghi nhớ chúng lâu hơn. Cũng giống như đứa trẻ 1 tuổi học nói, nó không đơn thuần là ngồi im để nghe 1 loạt các câu chuyện mà bố mẹ chúng kể mà nó còn không ngừng nói theo, kể theo. Giáo trình chỉ là cung cấp tài liệu và khung bài học cần dạy, còn việc kết hợp thể hiện bài dạy như thế nào thì đó là trách nhiệm của mỗi giáo viên. 8. Thiên vị Mỗi một học sinh khi lên lớp đều mong muốn giáo viên quan tâm mình, hướng dẫn cho mình. Tất nhiên giáo viên cũng không phải là không có những học sinh mà mình yêu thích, nhưng giáo viên không nên thể hiện ra các hành vi thiên vị, cục bộ của mình. Có thể bạn vốn dĩ không thích một loại người nào đó, nhưng là giáo viên bạn cần phải thể hiện sự công bằng tới tất cả các học sinh, biết cách quan tâm và khen ngợi chúng thích hợp. Ở lứa tuổi này học sinh bắt chước rất nhanh, do vậy thân là một giáo viên bạn cần đặc biệt chú ý tới lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động của mình để làm sao không khí học tập của lớp và việc dạy của bạn không bị ảnh hưởng bởi 8 việc trên! Nguồn: Sưu tầm.

  • Xem xét bản thân kỹ hơn

    Beyoncé đã từng nói, "Hiểu rõ bản thân là điều khôn ngoan nhất mà loài người có thể sở hữu. Hiểu về mục tiêu, sở thích, đạo đức, nhu cầu, tiêu chuẩn, điều bạn sẽ không tha thứ và những gì bạn sẵn sàng đánh đổi. Nó định nghĩa bạn là ai". Điều đó đúng. Ngoài ra, nhớ rằng khi bạn trưởng thành hơn và tiếp xúc với nhiều người cùng những trải nghiệm khác nhau, con người của bạn sẽ dần phát triển. Nếu gặp khó khăn để hiểu chính mình, hãy tự đánh giá lại để khám phá bản chất thật của bạn. Phần 1: Xem xét bản thân kỹ hơn 1. Xác định những gì bạn thích và không thích. Mọi người thường tập trung nhất vào điều họ thích. Tìm hiểu những gì khiến bạn vui và hứng thú là điều quan trọng, và cũng có ích để biết điều gì khiến bạn buồn và khó chịu. Một trong những bước đầu khi tự đánh giá bản thân là ngồi xuống và lập danh sách tất cả những gì bạn thích và không thích. Những điều bạn thích và không thích thường chỉ ra cách bạn thể hiện mình với người khác. Những điều này có thể tách biệt hay kết nối chúng ta với mọi người xung quanh. Hiểu được chúng giúp bạn biết bạn muốn gì để tiến bộ trong cuộc sống và cần tránh xa điều gì. Nhận biết được điều bạn thích và không thích có thể giúp định hướng nghề nghiệp, nơi ở, sở thích, và kiểu người ở bên cạnh bạn. Áp dụng hoạt động này để xem điều bạn thích và không thích có quá cứng nhắc không. Bạn có đang tự gò bó chính mình không? Liệu có gì đó mà bạn muốn làm hay thử làm mà nó nằm ngoài khả năng mà bạn nghĩ là chỉ trên lý thuyết không? Xây dựng lòng can đảm để thử điều gì đó hoàn toàn mới. Bạn có thể khám phá một khía cạnh khác của mình. 2. Xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Cũng như những điều bạn thích và không thích sẽ mang lại tầm nhìn sâu sắc về con người của bạn, hiểu được điểm mạnh và điểm yếu sẽ có ích tương tự. Viết danh sách sở trường và sở đoản của bạn ra giấy. Đối với hầu hết mọi người, điểm mạnh hoặc tài năng cũng có thể trùng với điều họ thích, và điểm yếu hoặc thách thức trùng với điều họ không thích. Giả sử bạn thích bánh nướng, bánh quy và bánh ngọt và sở trường của bạn là nướng bánh - cả hai có sự liên kết. Mặt khác, có thể bạn không thích thể thao và sở đoản của bạn là sự phối hợp thể chất hoặc sức chịu đựng. Trong nhiều trường hợp, thách thức có thể trở thành điều bạn không thích vì bẩm sinh bạn không giỏi về chúng. Điều này cho biết lý do bạn thích hoặc không thích gì đó. Hiểu được những điều này cũng rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn và quyết định liệu mình có cố gắng để cải thiện bất cứ gì có vẻ thách thức, hay liệu bạn muốn tập trung năng lượng vào những việc bạn giỏi. 3. Đánh giá điều gì giúp bạn thoải mái. Chúng ta có thể hiểu rõ bản thân trong điều kiện dễ chịu nhất, nhưng cũng tiếp thu sự hiểu biết đáng kể từ những lúc cảm thấy tồi tệ. Nhớ lại lần cuối bạn cảm thấy chán nản hay căng thẳng. Trong lúc đó, bạn muốn tìm điều thoải mái nào? Điều gì khiến bạn cảm thấy tốt hơn? Biết những gì làm bạn dễ chịu sẽ nói lên nhiều điều về con người của bạn. Có thể là bạn luôn cần ai đó nâng bạn dậy hoặc giúp bạn quên đi gì đó. Bạn có thể xem bộ phim yêu thích hay đam mê đọc cuốn tiểu thuyết nào đó. Sự thoải mái cũng có thể đến từ món ăn, điều này phổ biến ở những người đặt tình cảm vào việc ăn uống. 4. Ghi lại suy nghĩ và cảm xúc trong nhật ký. Một cách tuyệt vời để tìm hiểu thêm về bản thân là trở thành người quan sát các suy nghĩ và cảm xúc. Thực hành trong một tuần hoặc lâu hơn để có tầm nhìn bao quát hơn về chủ đề mà bạn thường xuyên nghĩ đến hoặc để xác định tâm trạng mà bạn hay trải nghiệm. Bạn có suy nghĩ tích cực? Hay suy nghĩ tiêu cực? Xem lại nhật ký có thể tiết lộ về cách sống mà bạn muốn nhưng bạn không ý thức được. Bạn có thể viết lại nhiều lần về việc muốn đi du lịch, một ai đó bạn thích, hoặc một sở thích mới bạn muốn thử. Sau khi tìm thấy vài chủ đề lặp lại trong nhật ký, dành thời gian xem xét ý nghĩa của những suy nghĩ và cảm giác đó - và bạn có muốn thực hiện chúng. 5. Làm bài kiểm tra tính cách. Một phương pháp khác để hiểu rõ bản thân hơn là hoàn thành bài đánh giá tính cách trực tuyến. Một vài người không thích bị phân loại, trong khi số khác nghĩ việc phân loại bản thân và hành vi của họ mang lại trật tự cho cuộc sống. Nếu thích khám phá bản thân bằng cách kiểm tra bạn có liên quan (hoặc khác biệt) với người khác, tham gia bài kiểm tra tính cách trực tuyến có thể bổ ích. Một số trang mạng như HumanMetrics.com yêu cầu bạn trả lời một loạt câu hỏi (bằng tiếng Anh) về sở thích và cách bạn nhìn nhận thế giới hay chính mình. Sau đó công cụ sẽ phân tích phản ứng của bạn để cho ra một kiểu tích cách có thể giúp bạn biết sở thích hay ngành nghề để bạn phát huy và cách bạn giao tiếp với mọi người xung quanh. Nhớ rằng mọi bài đánh giá miễn phí trực tuyến không thể được xem là hoàn toàn chính xác. Chúng chỉ giúp bạn hiểu biết chung về con người của bạn. Tuy vậy, nếu muốn có một phân tích chuyên sâu về tính cách, bạn sẽ cần tìm gặp nhà tâm lý học lâm sàng. Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp theo wikihow.vn

  • Mô hình người lao động của thế kỷ 21

    Các bậc phụ huynh dành rất nhiều thời gian, tâm sức, tiền bạc cho các con ăn học để con nên người. Con mình sẽ trở thành ai? có cuộc sống sau này như thế nào thì hầu như chúng ta không thể biết trước, vì vậy đầu tư vào con cái, đầu tư cho tương lai thật không đơn giản! Khả năng thua lỗ rất cao! Ai cũng biết sinh con cho vuông tròn đã vất vả, nhưng nuôi dạy con thành người có cuộc sống AN TOÀN, ĐỘC LẬP & TỰ DO còn vất vả gấp nhiều nhiều lần. Hành trình nuôi dạy con là một hành trình dài dằng dặc suốt 16 - 21 năm trời với bao biến động! Làm thế nào để hạn chế sự rủi ro trong đầu tư nuôi, dạy con? Chúng ta cùng bàn và xây dựng nhé! Cảm ơn các bạn rất nhiều nếu cùng chia sẻ tâm tư này! Nguồn: GV Thuý Gene Vân Da nhóm DHTC

  • Hỏi bản thân các câu hỏi quan trọng

    1. Tìm hiểu sâu hơn để biết giá trị cốt lõi của bạn. Giá trị là các tiêu chuẩn cơ bản mà bạn thực sự xem trọng, chúng ảnh hưởng đến quyết định, hành vi và thái độ của bạn. Những điều này là niềm tin hay nguyên tắc mà bạn sẽ thay thế hoặc đấu tranh cho: gia đình, sự bình đẳng, công lý, hòa bình, lòng biết ơn, sự tin cậy, sự công bằng, ổn định tài chính, tính chính trực, v.v… Nếu không biết giá trị cốt lõi của mình, bạn sẽ không thể xác minh liệu lựa chọn của bạn có phù hợp với các giá trị đó. Khám phá giá trị cốt lõi bằng cách: Nghĩ về hai người mà bạn ngưỡng mộ. Bạn ngưỡng mộ đặc điểm gì ở họ? Nghĩ về khoảng thời gian bạn cảm thấy thật sự tự hào. Chuyện gì đã xảy ra? Bạn đã giúp đỡ ai đó? Bạn đạt được mục tiêu? Bạn đấu tranh vì quyền lợi của mình hay của những người khác? Nghĩ về những gì bạn thấy hứng thú nhất trong cộng đồng hay thế giới. Chúng có thể bao gồm, nhưng không giới hạn ở những vấn đề như chính phủ, môi trường, giáo dục, thuyết nam nữ bình quyền, tội phạm, v.v. Nghĩ xem bạn sẽ cứu 3 món đồ gì nếu nhà bị cháy (giả sử tất cả mọi người đều đã an toàn). Tại sao bạn sẽ cứu 3 món đồ đó? 2. Hỏi xem liệu bạn có đang sống một cuộc đời đáng tự hào không. Như F. Scott Fitzgerald đã nói một câu nổi tiếng: "Tôi hy vọng bạn sống một cuộc đời mà bạn tự hào. Nếu bạn thấy mình không tự hào, tôi hy vọng bạn có sức mạnh để bắt đầu tất cả lại một lần nữa". Nếu hôm nay bạn qua đời, thì bạn có nghĩ rằng mình đã để lại những gì như bạn hy vọng? 3. Tự hỏi chính mình muốn làm gì nếu tiền không là vấn đề. Khi còn là đứa trẻ, chúng ta thường có nhiều ước mơ cao cả. Khi trưởng thành hơn và chịu nhiều ảnh hưởng từ xã hội, chúng ta thay đổi những ước mơ đó. Quay trở lại thời điểm bạn có một giấc mơ rõ ràng để thực hiện, nhưng nó bị dập tắt vì không đúng lúc hoặc vì bạn không có đủ tiền. Viết ra cách mà bạn muốn sống một ngày nếu không phải nghĩ đến tình trạng tài chính. Bạn sẽ sống như thế nào? 4. Xác định cuộc đời sẽ ra sao nếu bạn không sợ thất bại. Chúng ta thường lỡ mất cơ hội tuyệt vời hay không nắm bắt cơ hội bởi vì lo lắng rằng mình sẽ khiến bản thân xấu hổ vì phạm sai lầm. Thiếu tự tin có thể định nghĩa cả cuộc đời, nếu bạn không cố gắng để khắc phục nó. Đáng buồn thay, nó cũng tác động mạnh mẽ đến mức độ bạn nói "nếu-thì sao" theo thời gian. Dưới đây là một vài cách để khắc phục nỗi sợ thất bại, nếu nghĩ nó đang kiềm hãm bạn trở thành người bạn muốn: Biết rằng thất bại là cần thiết. Khi phạm sai lầm, chúng ta có thể đánh giá hành động và cải thiện phương pháp làm việc. Chúng ta trưởng thành và học hỏi thông qua thất bại. Mường tượng sự thành công. Một cách để vượt qua nỗi sợ thất bại là không ngừng tưởng tượng chính mình đang hoàn thành mục tiêu. Luôn kiên trì. Tiếp tục tiến về phía các mục tiêu bất chấp thất bại. Thường thì chúng ta sẽ đạt được ước mơ hoang đường nhất ngay lúc mà chúng ta đã dự định bỏ cuộc. Đừng để thất bại nhỏ khiến bạn đánh mất mục tiêu lớn hơn. 5. Hỏi người khác xem họ nghĩ gì về con người của bạn. Một khi bạn đã đặt nhiều câu hỏi khác về bản thân, hãy gặp một vài người thân thiết và hỏi cách nghĩ của họ về bạn. Đánh giá của họ có thể là danh sách các tính cách hay thí dụ về thời điểm cụ thể mà theo ý kiến của họ, nó đã tóm tắt sơ lược về con người của bạn. Sau khi đã hỏi ý kiến của một số người thân hay bạn bè, hãy suy nghĩ về câu trả lời của họ. Họ mô tả bạn là người ra sao? Bạn ngạc nhiên với các đánh giá đó? Bạn có thất vọng không? Những cách hiểu này phù hợp với con người bạn muốn trở thành hay cách bạn nhìn nhận bản thân? Nếu đánh giá cao ý kiến của người khác, bạn có thể tự hỏi mình cần làm gì để hài hòa hơn với cách nhìn của họ và của chính bạn. Có lẽ bạn có cái nhìn sai lệch về chính mình và cần đánh giá lại hành động. Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp theo wikihow.vn

  • Cách bạn kết nối với người khác

    Xem xét cách bạn kết nối với người khác 1. Tìm hiểu liệu bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Nếu bạn đã làm bài đánh giá tính cách trực tuyến, một trong những yếu tố có thể được đánh giá là bạn là người hướng nội hay hướng ngoại. Đây là những thuật ngữ được dùng bởi Carl Jung để mô tả nguồn gốc bạn nhận được năng lượng trong cuộc sống - từ thế giới bên trong hoặc bên ngoài. Hướng nội mô tả một người nhận năng lượng từ việc xem xét thế giới nội tâm của suy nghĩ, ý tưởng, ký ức và phản ứng. Những người này thích sự cô đơn và có thể thích dành thời gian với một hay hai người có cùng kết nối. Có thể họ trầm ngâm hoặc kín đáo. Hướng ngoại mô tả một người nhận năng lượng từ việc tương tác với thế giới bên ngoài. Họ thích tham gia vào nhiều hoạt động và gắn kết với tất cả kiểu người. Họ hào hứng khi ở cạnh người khác. Họ có thể hành động trước khi nghĩ kỹ về quyết định. Các giải thích phổ biến mô tả người hướng nội là nhút nhát và lãnh đạm, trong khi người hướng ngoại được cho là gần gũi và cởi mở. Những giải thích này không chính xác vì hầu hết các nhà nghiên cứu đã hiểu rằng những đặc điểm này chỉ đại diện một phần cho sự đa dạng tính cách. Không ai 100% là hướng nội hay hướng ngoại, họ chỉ có xu hướng thiên về một bên này hoặc một bên khác trong một số trường hợp nhất định. 2. Lựa chọn bạn muốn là một người bạn như thế nào. Khám phá con người của bạn cũng bao gồm hiểu được mong đợi, cảm giác, và hành động của bạn liên quan đến tình bạn. Suy nghĩ về tình bạn trong quá khứ. Bạn thích trò chuyện với bạn bè mỗi ngày hay rất hiếm khi nói chuyện với nhau? Bạn thường xuyên tổ chức gặp mặt hay bạn chỉ là người được mời? Bạn coi trọng dành thời gian cho bạn bè? Bạn chia sẻ điều riêng tư về bản thân với bạn bè hay bạn rất thận trọng khi chia sẻ? Bạn nâng đỡ/khuyến khích bạn bè khi họ chán nãn? Bạn bỏ hết mọi thứ khi bạn bè cần? Bạn đặt yêu cầu hợp lý dành cho tình bạn (như: không mong đợi bạn bè luôn ở có mặt hay chỉ làm bạn với bạn)? Một khi đã hỏi bản thân những câu này, quyết định liệu bạn có hài lòng với kiểu làm bạn của mình hay không. Nếu không, hãy nói chuyện với người bạn thân nhất và xem họ có lời khuyên để bạn có thể làm một người bạn tốt hơn trong thời gian tới. 3. Đánh giá những người xung quanh. Người ta nói rằng bạn là “mức trung bình” của 5 người thân với bạn nhất. Quan niệm này được dựa trên quy luật trung bình: kết quả của một sự việc nào đó sẽ dựa trên mức trung bình của tất cả các kết quả có thể. Quy luật này cũng được áp dụng vào mối quan hệ. Người mà bạn dành hầu hết thời gian sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn - cho dù bạn muốn hay không. Xem xét kỹ mối quan hệ thân thiết nhất của bạn, vì những người này cũng sẽ định nghĩa bạn là ai. Tất nhiên, bạn là chính bạn, bạn có thể tự quyết định và đưa ra kết luận riêng. Tuy nhiên, những người xung quanh ảnh hưởng cuộc sống của bạn theo một cách tinh vi. Có thể họ sẽ giới thiệu với bạn món ăn mới, thời trang, sách, và âm nhạc. Giới thiệu việc làm cho bạn. Ra ngoài khuya để tham gia bữa tiệc với bạn. Khóc trên vai bạn sau khi chia tay. Bạn có thấy một vài nét của bản thân đều bắt nguồn từ những người gần gũi bạn nhất không? Bạn có hạnh phúc với những đặc điểm mà bạn chịu ảnh hưởng từ người khác? Đơn giản là nếu bạn ở cạnh người tích cực, đầy hy vọng, bạn sẽ có cảm giác và hành động tương tự. Nếu ở cạnh người tiêu cực, xấu tính, những thái độ này có thể khiến cuộc sống chán nản. Nếu muốn biết bạn là ai, hãy nhìn xung quanh để tìm câu trả lời. 4. Nghĩ về điều bạn làm khi ở một mình. Những gì bạn làm với người khác sẽ tiết lộ nhiều về bạn, song điều bạn làm khi ở một mình cũng thế. Thông thường, chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nhóm xã hội để suy nghĩ, hành động, và cảm nhận theo cách nào đó. Tuy nhiên, khi hoàn toàn một mình, chúng ta gần gũi với bản chất của mình - hầu như không bị ảnh hưởng từ xã hội. Khi ở một mình, bạn dành thời gian như thế nào? Bạn không vui khi ở một mình? Bạn hài lòng? Bạn đọc sách trong yên lặng? Bạn chơi nhạc lớn và nhảy múa trước gương? Bạn mơ về những giấc mơ hoang đường? Nghĩ về những hoạt động đó và tìm hiểu chúng nói lên điều gì về bạn LỜI KHUYÊN Dành vài ngày hay vài tuần tìm hiểu đầy đủ mỗi bài tập khám phá bản thân để có thể xác định được con người thật của bạn. Đừng thực hiện tất cả bài tập cùng một lúc. Chấp nhận con người của bạn, bất kể người khác nói gì. Chỉ có bạn mới quyết định bạn là ai! NHỮNG THỨ BẠN CẦN Một cuốn sổ tay/nhật ký và bút. Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp theo wikihow.vn

  • Nhận diện niềm tin tiêu cực

    Theo mô hình Cây Giá trị được UNESCO đề xuất, thái độ quyết định suy nghĩ và cảm xúc, đến lượt mình, suy nghĩ và cảm xúc quyết định hành động và kết quả, nói một cách đơn giản: gieo thái độ nào gặt kết quả nấy. Chất liệu cơ bản để hình thành nên thái độ là niềm tin, ta thường nói về niềm tin tích cực và niềm tin tiêu cực. Danh sách những niềm tin tiêu cực được liệt kê trong bài viết này: Phần 1: http://thamvantamlygiangvu.vn/niem-tin-cot-loi-ky-1-.html Phần 2: http://thamvantamlygiangvu.vn/niem-tin-cot-loi-ky-2-.html Nhưng cần hiểu rằng, niềm tin bắt nguồn từ khung nhận thức. Người ta chia khung nhận thức thành 2 loại: Khung nhận thức phát triển và khung nhận thức cố định (Growth mindset và Fixed mindset), bạn có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu giới thiệu về điều này, ví dụ: https://tamly.blog/tu-duy-nao-giup-ban-thanh-cong/ Cái khó không nằm ở chỗ bạn có hiểu được những điều nói đến ở trên hay không, mà là tự mình nhận diện về xu hướng nhận thức của mình. Để giúp bạn tự nhận diện về hệ thống niềm tin - khung nhận thức của bản thân, thầy Frederic Labarthe có một gợi ý như sau: "Khi bạn quan sát những sự kiện trong đời bạn hoặc người đời và câu chuyện của họ, bạn có những phản ứng. Hãy quan sát những phản ứng đó và cách bạn phản hồi lại những sự việc này: bạn cảm thấy như thế nào về chúng, và những cảm xúc đó tiết lộ điều gì về những ý nghĩa bạn đặt ra cho chúng – bạn “nghĩ gì” về chúng". Đây là một con đường dài, đòi hỏi ở bạn sự kiên nhẫn với chính mình. Nhưng con đường nào, dù ngắn hay dài, đều bắt đầu từ một bước chân, hãy cứ bắt đầu rồi bạn sẽ thấy con đường tự hé lộ ra cho bạn. Ảnh: Katrina, trên trang Unsplash Nguồn bài viết: #LifeArtVietnam #Cam_xuc_va_tuong_tac_xa_hoi

  • Thay vì lo lắng, hãy lập kế hoạch và hành động

    Não được chuẩn bị sẵn cho sự lo lắng, vỏ não trước, phần chịu trách nhiệm cho việc ra quyết định, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch thì cũng chính là nơi sản sinh ra lo lắng. Sự khác biệt giữa lập kế hoạch và lo lắng là liều lượng và loại cảm xúc nào tham gia vào quá trình đó cũng như sự định hướng của cá nhân (self-oriented). Lo lắng mang theo nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. Nếu bạn đang lo lắng về một ai đó, một điều gì đó, việc thiết thực nên làm để giúp xoa dịu não là lập kế hoạch. Cách lập kế hoạch đơn giản nhất là: Bước 1: Viết hoặc vẽ ra điều làm bạn đang bận tâm suy nghĩ, Bước 2: Nhìn vào những gì vừa tạo ra, viết những việc bạn có thể thực hiện, hoặc tác động, trong khả năng của mình. Bước 3: Sắp xếp những việc đó theo trình tự thời gian hoặc từ dễ đến khó, Bước 4: Chọn những việc cần làm trước hoặc dễ nhất để bắt đầu. Thành công hoặc kết quả ban đầu, dù nhỏ thôi, cũng sẽ tiếp thêm năng lượng và sự lạc quan cho bạn ngay lập tức. Vì sao lập kế hoạch lại giúp não được xoa dịu? Bản chất của việc lập kế hoạch là bạn hướng tâm trí của mình vào GIẢI PHÁP, chứ không phải hướng vào điều làm cho bạn lo lắng. Khi tập trung vào giải pháp, bạn cảm thấy mọi việc đang trong tầm kiểm soát, hoặc ít nhất cũng giúp bạn nhận ra điều gì bạn có thể làm và điều gì bạn không thể, nhờ đó khả năng chấp nhận sự thật sẽ tăng lên. Chúc bạn thành công! Nguồn bài viết: #LifeArtVietnam #Cam_xuc_va_tuong_tac_xa_hoi

Đăng ký mail của bạn
để nhận những thông tin
hữu ích mới nhất

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Logo-1.png

CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC TÍCH CỰC

Vì một triệu người thầy HẠNH PHÚC & TRUYỀN CẢM HỨNG

CÔNG TY TNHH ĐÀO TẠO DHTC được hình thành và sáng lập từ CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC TÍCH CỰC của TS. Trần Khánh Ngọc - một chương trình đào tạo và hỗ trợ giáo viên toàn quốc với mong muốn giúp giáo viên thay đổi tư duy dạy học và vận dụng hiệu quả các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh học tập hiệu quả hơn.

  • Facebook
  • Facebook
  • Youtube
  • TikTok

Liên hệ với chúng tôi

Lô A26, KĐT Geleximco, Đường Lê Trọng Tấn, Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

0796.133.601

bottom of page