
CHIA SẺ ỨNG DỤNG 6 HÌNH MẪU ẨN DỤ TRONG KHÓA ALPS
Vô học ALPS, khi nghe giảng về 6 hình mẫu bán hàng, lúc đầu em thấy hay thì hay thật đó mà việc áp dụng thì lơ ngơ.
Khi đi cùng ALPS từ K2 đến K4, từ alpee lên Team Coach thì giờ đây em yêu sáu con người ngày quá. Hình mẫu nào cũng có điểm hay cần học tập. Sáu ẩn dụ này thực sự đã giúp em hoàn thiện bản thân và áp dụng trong công việc dạy học rất tuyệt vời.
Dưới đây là điều em đã nhận ra được từ sáu hình mẫu trong công việc giảng dạy. Xin phép được chia sẻ với thầy cô đã tham gia khóa ALPS.
1. Hình mẫu kiến trúc sư
Kiến trúc sư có thế mạnh là tư duy hệ thống và có óc tổ chức. Vậy nên em học được ở người kiến trúc sự tư duy logic, sự chỉn chu trong chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp với học trò.
Em thấy việc chuẩn bị giáo án lên lớp cách thiết kế các hoạt động dạy học logic, mạch lạc, hợp lý sẽ giúp chúng ta đi đúng hướng, trúng đích, tránh lan man. Và tất nhiên sự logic, mạch lạc của bài giảng luôn là điều quan trọng để người nghe, người học tiếp cận và lĩnh hội tri thức dễ dàng hơn.
2. Hình mẫu diễn viên – một ẩn dụ cho những con người hoạt ngôn, năng động tự tin, kỹ năng thuyết trình siêu đẳng – đây chính là hình mẫu người giáo viên cần học ở họ rất nhiều.
Em thấy khi chúng ta lên lớp, chúng ra đứng trên bục giảng, giáo viên chúng ta như một người nghệ sĩ đang trình diễn (dựa trên kịch bản – giáo án có sẵn), học sinh của chúng ta là khán giả. Để khán giả chú ý, yêu thích thì “diễn viên” phải tròn vai và xuất sắc. Không “khán giả” nào hứng thú với người diễn viên diễn vụng về phải không thầy cô ơi!
Hình mẫu diễn viên này luôn nhắc nhở em trước khi lên lớp cần thuộc giáo án, cần tích cực rèn luyện kỹ năng diễn đạt và linh hoạt trong việc xử lý tình huống ngoài kịch bản.
3. Hình mẫu họa sĩ
Dĩ nhiên họa sĩ là người vẽ tranh thật giỏi, tài năng của họ là vẽ ra bức tranh dẫn dắt khách hàng để khách hàng quan tâm chú ý hơn vào sản phẩm của mình.
Khi hiểu về hình mẫu họa sĩ, áp dụng trong dạy học, em đã chú tâm hơn đến việc khơi gợi cảm hứng cho học trò, tạo động lực cho học trò tiếp thu kiến thức bài học.
Em tập trung vào phần “Why” – tại sao các con cần học nội dung này và bắt đầu em vẽ tranh cho học trò thích thú. Chẳng hạn, dạy bất cứ bài học nào, em đều nhấn mạnh tầm quan trọng – nội dung bài này sẽ có thể giúp các con chinh phục kì thi A, B, C… giúp các con có được cách suy nghĩ, cách ứng xử, giúp các con tìm cơ hội trong tương lai… Khi “vẽ tranh” như thế, em thấy học trò sẽ chú ý hơn đến bài giảng và lo học.
4. Hình mẫu thợ săn
Người thợ săn chỉ quan tâm đến con mồi và kết quả có săn được mồi không. Còn trong dạy học, chúng ta vẫn có thể học ở người thợ săn đặc điểm này đấy ạ.
Khi giảng bài, người thợ săn nhắc em không được bỏ rơi bất cứ học trò nào. Làm sao để tất cả học trò hiểu bài. Nếu chỗ nào chưa hiểu, cần phải giúp cho học sinh hiểu bằng được. Khi làm được điều ấy, thì giáo viên đã học được ở người thợ săn điểm tốt ạ. Chinh phục học sinh, giúp học sinh hiểu bài tức là chúng ta là người thợ săn thành công ạ.
5. Hình mẫu nhà tư vấn
Chỉ nghe thôi đã biết hình mẫu này rất tâm lý và tràn đầy yêu thương. Em học ở nhà tư vấn đức tính luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Sự lắng nghe và thấu hiểu sẽ rút ngắn khoảng cách trái tim. Và khi trái tim của học trò đã mở lòng cho mình, mình nói gì, trò cũng nghe theo thầy cô ạ.
Nhà tư vấn còn giúp cho giáo viên không chỉ kết nối tâm tư với học trò mà còn kết nối với phụ huynh. Nếu phụ huynh đồng thuận với thầy cô, việc giáo dục cho các con sẽ trở nên thật nhẹ nhàng biết bao nhiêu ạ.
6. Hình mẫu nông dân – người gieo hạt, người chăm sóc hạt giống, người ươm cây chờ ngày hái quả.
Trong dạy học, em học ở người nông dân sự kiên trì, tình yêu thương đến tất cả học trò.
Học sinh của chúng ta mỗi em một cá tính, ẩn sâu trong tâm hồn các em là những hạt giống. Và trò nào cũng có hạt giống tích cực. Em học người nông dân các chăm sóc tích cực, chỉ gieo hạt lành, chỉ tưới tắm yêu thương. Người nông dân dạy em không được la mắng mà cần khích lệ, không được chê bai mà cần khuyên nhủ, động viên…
Nếu làm được như thế, thì có trò nào mà ghét cô được ạ!
Khi trò yêu chúng ta, sẽ thích môn học của chúng ta và khi thích môn học rồi, trò sẽ có ý thức, có động lực học ạ.
Trên đây là phần chia sẻ ứng dụng sáu hình mẫu vào công việc giảng dạy của em.
Em vẫn đang cố gắng nhắc nhở mình mỗi ngày. Thực sự vô khóa ALPS, nếu không học tập, thực hành chỉn chu thì bản thân sẽ cảm thấy tội lỗi với học trò, với thầy cô và với chính mình nhiều lắm!
Cảm ơn thầy cô đã đọc chia sẻ này ạ! Rất mong thầy cô chia sẻ thêm ứng dụng của mình từ 6 hình mẫu để chúng ta được học hỏi lẫn nhau, tăng thêm giá trị cho những kiến thức thầy Ken, cô Ngọc đã gửi đến chúng ta ạ!
Kí tên: KIM DUNG
P/s: Hẹn thầy cô ở bài sau em sẽ chia sẻ về cách biến hình và kết quả biến hình của em ạ.
Comments