Tôi sinh ra trong một gia đình ở ngoại ô thành phố. Mẹ tôi là giáo viên Tiểu học, ba tôi là bộ đội nhưng từ khi mẹ sinh em tôi thì ba tôi ra quân và làm ngoài. Với nền kinh tế những năm 90 thì công việc của ba mẹ tôi chỉ đủ ăn. Tuổi thơ của tôi là những lần chứng kiến ba mẹ cãi nhau, thậm chí đánh nhau cả làng biết. Tuy vậy, ba mẹ tôi lại rất yêu thương chị em tôi. Ba tôi luôn tự hào về chị em tôi, còn mẹ thì luôn động viên chúng tôi. Khi tôi mới ra trường, đi dạy và phải lên tiết hội giảng, tôi lo lắng kể với mẹ. Mẹ chỉ nói "ui, con làm dư sức qua cầu". Chỉ cần câu nói ngắn gọn vậy thôi cũng khiến tôi tự tin hơn rất nhiều. Giờ học cô Ngọc, tôi mới thấy rằng ba mẹ tôi cũng giáo dục chị em chúng tôi theo kiểu "TRỒNG HOA THAY VÌ NHỔ CỎ".
Lên lớp 10, tôi chuyển đến học trường THPT Trấn Biên trung tâm thành phố. Tôi lại còn mạnh dạn thi vào lớp nguồn để tạo áp lực cho bản thân phấn đấu. Và vào đây học, các bạn quá là năng động, sáng tạo khiến đứa "nhà quê" như tôi cảm thấy mình không theo kịp. Tôi đã tìm đến môn võ karatedo để có thêm sự tự tin. Tôi học võ cũng khá chăm chỉ nên thầy gọi vào tập cùng đội tuyển tỉnh và đi thi các giải lớn nhỏ trong nước. Hồi đó không hiểu sao, tôi thì khả năng có hạn mà cứ đấu giải là sẽ có ít nhất là huy chương đồng. Một là do bốc thăm loại trực tiếp, tôi được miễn vòng nên đã có giải, hai là đối thủ của tôi bỏ cuộc. Ngày đó thầy tôi hay nói số tôi hên nên thầy thích cho tôi đi đấu giải . Giờ học lớp NÂNG TẦM NHẬN THỨC- PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, tôi mới ngẫm lại. Vì tôi vốn là người lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực nên trạng thái điện từ nội tâm của tôi thường theo chiều hướng dương. Và đó chính là biểu hiện của VÒNG LẶP MAY MẮN.
VÌ SAO TÔI CHỌN SƯ PHẠM?
Ngày đó học xong lớp 12, tôi cũng muốn thi vào trường ĐH TDTT. Nhưng tôi cũng cảm nhận rằng con gái học thể thao thì vất vả. Và mẹ tôi cũng hay đùa bảo: "mày học võ vậy, mai mốt không bà mẹ chồng nào đồng ý đâu, về mày đánh con trai người ta thì khổ". Tôi cũng hơi sợ thật, nên tôi chuyển sang thi sư phạm. Tôi rớt đại học và chuyển nguyện vọng về học trường cao đẳng gần nhà. Tôi rớt mà mẹ tôi vui lắm. Mẹ đi khoe với họ hàng là tôi rớt thì đỡ tốn kém hơn cho gia đình. Đấy, có lẽ tôi giống mẹ mình tính lạc quan đó đấy ạ. Giờ tôi có gia đình rồi tôi mới hiểu nỗi lo của mẹ ngày đó.
Trong trường sư phạm, tôi thích nhất là môn tâm lý học. Nhưng khi học, tôi cũng chỉ thu nhặt được là phải luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. Nhưng tôi nhớ cô Mai dạy môn Tiếng Việt từng nói với chúng tôi rằng: "nếu các bạn không dạy hết lòng là các bạn có tội với nhân dân đó, vì tiền lương các bạn nhận được là từ nhân dân đóng góp". Vì thế khi đi dạy, tôi luôn cố gắng làm tốt công việc được giao, hết lòng với học sinh. Nhưng tôi vẫn thấy phương pháp của mình có gì sai sai. Những giờ hội giảng, tôi đều dạy trước và cài cho học sinh câu trả lời. Tôi vẫn còn quát học sinh để học sinh trật tự. Giờ tôi được học cô Ngọc, tôi mới vỡ ra được nhiều điều. Thì ra tôi đã tước đi cơ hội xử lí thông tin của học sinh, tôi đã "BẬT ĐÈN- CHO ĂN" thay vì "TẠO LỒNG" cho các bạn . Tôi không biết rằng học sinh chỉ tiếp thu được khoảng 10- 15 phút, quá thời gian đó các em sẽ xao nhãng và cần thay đổi trạng thái. Và điều cũng không kém phần quan trọng là 3 VÒNG TRÒN VÀNG và mô hình cây phương pháp dạy học. Học được điều này giúp tôi hiểu, khi dạy học sinh tôi phải bắt đầu bằng câu hỏi Why? Khi đặt câu hỏi phải rõ ràng. Người giáo viên cần cho người học hiểu rõ tại sao tôi phải học? Người giáo viên cũng cần hiểu rõ tại sao tôi cần phải thay đổi phương pháp dạy học để tiết học đạt hiệu quả tốt hơn.
Tôi mới theo cô Ngọc từ tháng 10 năm ngoái thôi nhưng tôi cảm nhận tôi đã chuyển hóa rất nhiều. Tôi đã mở rộng đường biên chấp nhận của mình, luôn cố gắng tạo những hoạt động vui vẻ, áp dụng kĩ thuật dạy học tích cực cho học sinh thân yêu. Tuy tôi chỉ mới bắt đầu thay đổi, chặng đường phía trước còn dài và nhiều khó khăn, rào cản. Nhưng nhờ cô Ngọc , tôi đã có công thức suy nghĩ cho bản thân. Đó là tôi cứ đặt nghi vấn tích cực, hỏi điều mình mong muốn rồi câu trả lời sẽ xuất hiện thôi. Mình cứ làm việc xuất phát từ tâm thì mọi việc sẽ tốt thôi. Và cô Ngọc cũng từng nói rằng nếu bạn muốn bày tỏ lòng biết ơn cô thì hãy áp dụng cho chính bạn, cho học sinh, gia đình của bạn, không nên tung hô cô nhiều quá.
Biết ơn cô Trần Khánh Ngọc , biết ơn đội ngũ các thầy cô trong BTC DHTC đã giúp tôi thay đổi, yêu nghề hơn.
コメント