GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC TÍCH CỰC
DẠY HỌC TÍCH CỰC là chương trình chuyên sâu đào tạo và hỗ trợ giáo viên (GV) và Phụ huynh về các vấn đề trong dạy học và giáo dục con cái. Được thành lập vào tháng 9 năm 2015 với khoảng 20 thành viên, cho đến nay, chương trình đã tạo dựng được một cộng đồng lớn với sự tham gia của hàng ngàn GV và phụ huynh tích cực trên toàn quốc. Chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC đã tạo nên một phong trào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục con cái; đổi mới cách thức đào tạo GV… với sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của rất nhiều phụ huynh và GV tâm huyết, cả những GV đang công tác và các GV đã về hưu. Để có được những thành công bước đầu đó, chương trình đã thực sự kiên trì theo đuổi và thực hiện theo những tư tưởng cốt lõi dưới đây:
1. Lấy người học và việc học làm trung tâm, người dạy và việc dạy là để hỗ trợ và tạo thuận lợi cho việc học
Chúng ta đã nói rất nhiều về việc lấy học sinh (HS) làm trung tâm, nhưng trên thực tế, GV vẫn chưa thật sự hiểu bản chất của quan điểm này, dẫn đến việc dạy học vẫn chưa diễn ra đúng với quan điểm đó. Khi lên lớp, đa phần GV vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc mình sẽ dạy gì? Dạy như thế nào? Làm thế nào để dạy cho hết bài HƠN LÀ quan tâm đến việc HS sẽ học được gì? Học như thế nào? Làm sao để HS học tập hiệu quả nhất, tự lực chiếm lĩnh tri thức tốt nhất… Do vậy, tuy nói là dạy học lấy HS làm trung tâm nhưng thực chất vẫn là lấy GV và việc dạy của GV là trung tâm, HS không được thấu hiểu và bị bỏ rơi trong chính lớp học của mình, dẫn đến rất nhiều em chán học, không có hứng thú, ngủ gật hoặc mất tập trung trong giờ học.
Chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC thay đổi và chuyển hướng sự quan tâm của GV từ VIỆC DẠY sang VIỆC HỌC và NGƯỜI HỌC bằng cách trang bị cho GV những hiểu biết về tâm lý của người học; về những quy luật hoạt động của não bộ liên quan đến việc HS học như thế nào và làm như thế nào để việc học tập đó diễn ra một cách hiệu quả nhất. GV cũng được tìm hiểu về các loại hình trí tuệ, các loại phong cách học tập khác nhau để hiểu được rằng mỗi HS là một cá thể độc lập, mỗi em đều thông minh theo một cách riêng và có thể có những cách học riêng của mình chứ không thể bắt ép tất cả các em trong lớp phải học theo một cách giống nhau. Khi thấu hiểu được điều này, đa phần GV đã nhận thức được cách tiếp cận hiện nay trong việc dạy của mình là chưa hiệu quả và đã thay đổi, chuyển sang tiếp cận từ phía người học, nhìn nhận công bằng hơn khả năng của từng HS, quan tâm đến việc tạo nhu cầu và mục tiêu cho người học trước khi thực hiện bài dạy; thay đổi cách thức giảng dạy, tổ chức nhiều các hoạt động học tập giúp người học tự xử lý thông tin, tự chiếm lĩnh kiến thức và phát huy tối đa tiềm năng của cả hai bán cầu não trong việc học tập. Do vậy, việc học tập đã diễn ra vui vẻ, hào hứng và đạt được hiệu quả cao hơn rất nhiều so với những giờ học trước đây.
Dưới đây là một số hình ảnh về việc GV đã thay đổi cách tổ chức hoạt động học tập, và HS đã được tham gia nhiều hơn, được cho cơ hội thể hiện bản thân và hiệu quả của những việc đó.

GV tự làm phân tích vân tay để hiểu tính cách HS và có biện pháp giáo dục phù hợp

HS hăng say làm việc

HS trường Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên
cùng xây dựng sơ đồ tư duy nội dung bài học

HS báo cáo kết quả làm việc nhóm

Kết quả hoạt động của HS

HS tự lên dạy bài Điều hòa hoạt động của gen
2. Đẩy mạnh việc DẠY NGƯỜI – Dạy học phát triển nhân cách và năng lực cho HS chứ không chỉ dạy chữ (Tiên học lễ, hậu học văn)
Hầu như ở nhà trường nào cũng đều có câu khẩu hiệu này nhưng có lẽ đội ngũ GV cũng chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện nó một cách đúng đắn. Việc “học văn” – thiên nhiều đến trang bị kiến thức cho người học, quan tâm đến thành tích, kết quả học tập của HS hiện đang được đẩy mạnh quá mức và trở thành mối quan tâm lớn hơn nhiều so với việc giáo dục và hình thành nhân cách cho HS (dạy lễ).
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đưa ra định hướng đổi mới Dạy học phát triển năng lực, nhưng hiện tại đa số GV cũng chưa thực sự nhận thức rõ ràng và biết cách dạy như thế nào để phát triển năng lực cho người học. Việc dạy học theo định hướng này còn khá lúng túng, mang tính hình thức và nhiều GV vẫn coi mỗi lần đổi mới là một gánh nặng hơn là nhận thức được những điểm tích cực từ các định hướng đó của Bộ.
Chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC nhấn mạnh vào việc Dạy người và Dạy học phát triển năng lực . Trên lớp học, ngay khi tiến hành mỗi bài giảng, mỗi đơn vị kiến thức, GV cũng nên quan tâm đến việc có thể lồng thêm những bài học gì để phát triển nhân cách, để rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho HS, để các em có thể trở thành những công dân tốt sau khi rời khỏi ghế nhà trường chứ không chỉ quan tâm đến việc dạy cho các em nhớ được những kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa để có thể đỗ cao trong các kì thi. Ví dụ như khi học về cách phân loại lá và các cách mọc lá trên cành (sinh học lớp 6); thực chất việc HS gọi tên được các loại lá, mô tả được các cách mọc lá trên cành chỉ là phụ và không thể quan trọng bằng việc thông qua hoạt động cho HS làm việc nhóm, phân loại và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, GV chỉ cho HS thấy rằng mọi cách phân chia như vậy đều đúng, miễn là các em đưa ra được các tiêu chí và biết dựa trên tiêu chí đó để phân loại. Qua đó, HS học được rằng mỗi vấn đề đều có nhiều cách để tiếp cận, mỗi người có thể đứng trên các quan điểm khác nhau để nhìn nhận, đánh giá về vấn đề đó và đều có những ý kiến hợp lý dựa trên cách tiếp cận của mình. Do vậy, việc cãi nhau vì đứng trên các quan điểm khác nhau để nhìn nhận về cùng một vấn đề là vô nghĩa, giống như chuyện thầy bói xem voi, mỗi người chỉ nhìn thấy “voi” theo góc nhìn của mình. Điều cần làm là ghi nhận những góc nhìn của người khác và coi đó là một cơ hội để học hỏi, để bản thân mở rộng suy nghĩ và góc nhìn của mình, để có cái nhìn bao quát hơn về vấn đề và nâng hiểu biết của mình lên một tầm cao mới.
Ngoài ra, thông qua bài học về lá đó, GV cũng giúp HS rèn luyện được kĩ năng quan sát, kĩ năng phân loại, kĩ năng làm việc nhóm, hợp tác với người khác… Kiến thức về Lá sau một vài năm các em có thể quên đi, nhưng những kĩ năng đó là những thứ cần thiết cho người học để thành công trong suốt cả cuộc đời.
Thấm nhuần tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn” đó, GV mỗi khi lên lớp, mỗi khi thực hiện các bài dạy đều nên tự hỏi: Qua bài học này, qua nội dung kiến thức này mình có thể tổ chức cho HS hoạt động như thế nào? Bài học nào về nhân sinh quan có thể được rút ra kèm theo với kiến thức trong SGK? Kĩ năng nào của HS được rèn luyện?... hay nói cách khác là quan tâm đến “dạy lễ” kèm với “dạy văn” ngay trong mỗi giờ lên lớp. Chỉ cần thay đổi từ những việc rất nhỏ, nhưng từ từ và lâu dài, mỗi ngày một ít sẽ tạo nên nhân cách của người học một cách vững chắc.
3. Đào tạo GV thông qua trải nghiệm để GV có thể hiểu cách vận hành, cách tổ chức hoạt động học tập, cách sử dụng các phương pháp tích cực trong dạy học, từ đó GV có thể tự tin để thực hiện các phương pháp đó trong những tiết dạy của mình
Để những tư tưởng đó (lấy HS làm trung tâm; tiên học lễ, hậu học văn; dạy học phát triển năng lực) được thấm nhuần và thực sự vận hành bởi đội ngũ GV đòi hỏi việc đào tạo, tập huấn GV cũng phải diễn ra một cách nghiêm túc, chất lượng và điều quan trọng nhất là phải truyền được lửa, truyền được cảm hứng hành động cho mỗi GV về sứ mệnh nghề nghiệp của họ, chứ không chỉ đơn thuần cung cấp cho họ những kiến thức về cách làm, về các kĩ thuật như kĩ thuật tổ chức các tiết học, kĩ thuật kiểm tra đánh giá…
Trong các khóa học của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC, GV được đào tạo theo hình thức học tập dựa trên trải nghiệm, nghĩa là họ được đóng vai là HS để tham gia vào các hoạt động học tập. Người học sẽ thực hiện những bài tập, nhiệm vụ mà người hướng dẫn yêu cầu; rồi thông qua các trải nghiệm đó, GV tự rút ra bài học, đúc rút được cách làm, quy trình tổ chức, những lưu ý khi thực hiện mỗi phương pháp và kĩ thuật… Điều quan trọng nhất ở đây là GV được thực sự “trải nghiệm” các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực được “diễn ra” như thế nào? Người học cảm thấy ra sao trong mỗi hoạt động? Cách thức mà người hướng dẫn tổ chức, khơi gợi, thúc đẩy quá trình học tập… GV được đóng 2 vai, vừa là HS để cảm nhận nếu được học theo cách này thì người học sẽ cảm thấy như thế nào? có hứng thú không? hiệu quả học tập ra sao?...; vừa được đóng vai là đồng nghiệp để nhận xét, quan sát cách tổ chức, rút ra những ưu điểm, nhược điểm, những điều cần lưu ý của từng phương pháp. Trên cơ sở được trải nghiệm, GV có thể tự tin để tổ chức những hoạt động tương tự cho HS trên lớp, đồng thời sáng tạo thêm những cách tổ chức mới phù hợp hơn với các nội dung cụ thể, với đối tượng HS cũng như với điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương mình.
Các khóa học của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC không chỉ thu hút GV của các cấp học ở phổ thông mà còn hấp dẫn với rất nhiều giảng viên đang giảng dạy tại các trường cao đẳng, Đại học. Những môn học như Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Triết học Mác – Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh… vẫn được coi là khô khan thì bây giờ lại trở thành những cơ hội để sinh viên được rèn luyện tư duy phân tích, đánh giá, thể hiện khả năng sáng tạo và qua đó nhận thức được sự cần thiết và giá trị của những môn học như thế này.


GV thực hiện thí nghiệm khám phá “Sự kì diệu của Nước”
trong khóa học DẠY HỌC TÍCH HỢP LIÊN MÔN

Sản phẩm của HS trong môn Giáo dục công dân

Sản phẩm của sinh viên môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
4. Nâng cao nhận thức của GV về ý nghĩa nghề nghiệp chứ không chỉ trang bị kiến thức về các loại phương pháp
Có 3 câu hỏi quan trọng xuất hiện trong mọi việc chúng ta làm hàng ngày, đó là What – Cái gì? Why – Tại sao và How – như thế nào?
Dường như việc dạy học hiện nay, và ngay cả các chương trình tập huấn cho GV cũng đang tập trung quá nhiều vào phần What – trang bị cho HS kiến thức, trang bị cho GV hiểu biết về các phương pháp, kĩ thuật dạy học; và How – hướng dẫn GV cách làm (dù điều này còn khá ít so với phần What) nhưng điều quan trọng nhất, câu hỏi cần tập trung nhất không phải là What và How mà là Why – Tại sao cần phải làm như vậy? Làm như vậy để làm gì? Có ý nghĩa gì?... là câu hỏi tạo ra được động lực học tập từ bên trong mỗi người học, thì lại chưa được mấy quan tâm.
Bên cạnh việc tổ chức đào tạo dựa trên trải nghiệm để đẩy mạnh phần How – GV hiểu thấu đáo về cách phải làm như thế nào, thì một phần trọng yếu nhất của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC là tập trung vào làm rõ câu hỏi WHY cho mỗi GV. Tại sao bạn lại là GV? Ý nghĩa và tầm quan trọng của nghề này? Sự ảnh hưởng của một GV đến hàng ngàn HS diễn ra như thế nào và tại sao khi là GV, bạn cần có được tư duy đúng về nghề nghiệp, về nghĩa vụ và quyền lợi của bạn trước khi bạn học thêm bất cứ kĩ thuật nào để nâng cao hiệu quả của việc truyền đạt những kiến thức chuyên môn cho HS. Bạn muốn được HS coi mình là một “nhà giáo dục” hay là “thợ dạy”? Điều đó dẫn đến việc bạn phải tư duy và hành động cụ thể như thế nào?...
Thông điệp lớn nhất mà chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC muốn truyền tải đến GV là họ là những người có ảnh hưởng cực kì to lớn đến HS, qua đó có thể tạo nên một thế hệ trẻ thành công hay thất bại, ảnh hưởng đến tương lai của cả một dân tộc. Là một GV, bạn có thể nâng cánh cho rất nhiều ước mơ của HS bay cao, bay xa; nhưng đồng thời, nếu chỉ vô ý một chút, sử dụng những lời nói và thái độ không đúng, bạn cũng có thể dập tắt rất nhiều niềm hi vọng của người học mà có thể bạn không biết hoặc không để ý. Vai trò của giáo dục nói chung và của GV nói riêng là đem lại cho người học cơ hội để có thể khám phá nhiều hơn về những điều tốt đẹp của bản thân, tin vào khả năng của mình có thể trở thành những người thành công, sống có ích cho xã hội. Và giáo dục bằng TÌNH YÊU THƯƠNG luôn là con đường giáo dục ngắn nhất!


Các hoạt động chia sẻ Tình yêu thương trong khóa học SỨ MỆNH NGƯỜI THẦY


Phản hồi của GV sau khi học SỨ MỆNH NGƯỜI THẦY!
5. Nâng cao khả năng học tập tự thân của GV và sử dụng chiến lược “Lửa lan dần”
Dựa trên nguyên lý việc học tập chỉ hiệu quả nhất khi người học thực sự có NHU CẦU học tập, do vậy để tham gia các khóa học của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC, các học viên, GV phải đóng tiền học và chi trả toàn bộ các khoản chi phí về ăn ở, đi lại chứ không được “bao cấp” như các chương trình tập huấn khác. Tuy nhiên, chính cách làm này đã giúp chúng tôi tìm ra được những GV tâm huyết với tinh thần học hỏi tuyệt vời, sẵn sàng vượt qua tuổi tác (có những GV đã về hưu), sẵn sàng vượt hàng nghìn cây số từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Kontum và rất nhiều tỉnh thành khác trên mọi miền tổ quốc về học tập. Đây thực sự là những nhân tố cốt lõi, là niềm hi vọng cho những thay đổi tích cực của nền giáo dục nước nhà. Và nhiệm vụ của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC là tìm ra và hội tụ cho bằng được những con người như vậy. Họ chính là những tấm gương về tinh thần không ngừng học tập, không ngừng thay đổi bản thân, sẵn sàng tiếp nhận và thử thách những điều mới mẻ. Và từ họ, sẽ là những trung tâm lan tỏa tư tưởng giáo dục mới, lan tỏa tinh thần tự giác, tự học tới đội ngũ giáo viên trong trường, trong quận huyện và địa phương họ sinh sống. Chiến lược của chương trình là ở mỗi địa phương sẽ có một trung tâm đào tạo và bồi dưỡng GV, để GV tại địa phương có thể tự đào tạo cho nhau, thúc đẩy, hỗ trợ và cùng nhau tiến bộ.
Với những đốm lửa ban đầu đó, sau tròn một năm thành lập, chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC đã tạo nên một cộng đồng hơn 7000 GV tích cực trên toàn quốc và thu hút được rất nhiều sự chú ý của những người quan tâm đến giáo dục. Chiến lược của chương trình là đi dần từng bước, từ dưới lên, trước tiên là đáp ứng nhu cầu và giúp đỡ GV giải quyết khó khăn trong quá trình dạy học, sau đó là trang bị dần về tư duy, kĩ năng, kiến thức cho GV để họ thấu hiểu bản chất của giáo dục; “truyền lửa” để GV cảm thấy nhiệt huyết hơn, yêu hơn và hạnh phúc hơn với công việc họ đang làm. Cách làm này chưa thể đi nhanh và làm với số lượng lớn như cách làm tập huấn ồ ạt, từ trên xuống; nhưng đó là những bước đi vững chắc và có hiệu quả thực sự. Chúng tôi luôn quan niệm, chỉ cần 1 GV thay đổi là có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn HS được hưởng lợi. Do vậy, chúng tôi luôn tập trung vào việc tạo ra những khóa học thực sự có giá trị để làm thay đổi những người GV đang theo học một cách tích cực và sâu sắc.
6. Giáo dục trước hết phải là tự giáo dục – Giáo dục người khác thông qua việc thay đổi bản thân mình và LÀM GƯƠNG
Một thông điệp nữa mà chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC theo đuổi và mong muốn truyền tải tới đội ngũ GV là Giáo dục trước hết phải là tự giáo dục – Giáo dục người khác thông qua việc thay đổi chính bản thân mình và LÀM GƯƠNG. Nói như Mahatma Grandhi đã từng nói: “You must be the change you wish to see in the world” – hay muốn thay đổi người khác, trước tiên phải thay đổi chính bản thân mình.
Không ngồi đó kêu ca, phàn nàn về hệ thống giáo dục, về những điều cần phải chỉnh sửa, thay đổi… những GV của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC dám nhận lãnh trách nhiệm và từ đó thay đổi cách tư duy, thay đổi cách dạy, cách nhìn nhận và đánh giá HS để tạo nên những điều tích cực chính trong lớp học của mình. Nếu HS còn ngáp ngủ hay mất tập trung trong giờ học; điều đó nghĩa là cách dạy của GV còn cần phải tiếp tục cải tiến, để hấp dẫn hơn nữa với người học. Nếu HS còn chưa ngoan, chưa hợp tác; điều đó có nghĩa là GV còn cần tiếp tục nhẫn nại hơn, yêu thương nhiều hơn, sử dụng trái tim mình nhiều hơn để “chạm vào” và “đánh thức” được trái tim người học.
Không chỉ làm tốt vai trò GV trên lớp, mỗi học viên của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC cũng đảm nhận trách nhiệm nặng nề là làm tốt vai trò người cha, người mẹ trong gia đình. Chúng tôi cho rằng việc giáo dục con cái hay HS chỉ có thể đạt hiệu quả tốt thông qua việc dành thời gian để chia sẻ, thấu hiểu, làm bạn và đồng hành cùng trẻ. Chúng tôi luôn tìm cơ hội để giáo dục con cái thông qua những tình huống hàng ngày, những bài học nhỏ ẩn chứa những tư tưởng giáo dục đúng đắn chứ không quá lệ thuộc vào những khóa học hè, những khóa học mà “con học, bố mẹ trả tiền chứ bố mẹ không chịu học” rồi sau vài tuần thay đổi thì đâu lại vào đấy. Chúng tôi quan niệm người lớn là TẤM GƯƠNG cho trẻ, nên muốn giáo dục trẻ tốt thì trước tiên người lớn phải tư duy và hành xử đúng mực, đúng đạo đức. Muốn con có tinh thần học hỏi và ham mê học tập thì trước tiên bố mẹ cũng phải thể hiện được tinh thần đó.
Giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường luôn là 2 trụ cột mà chương trình hướng đến vì đây là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định việc hình thành nhân cách của trẻ. Nếu làm tốt 2 trụ cột này mới có thể đóng góp được những người công dân tốt cho xã hội.
7. Nâng tầm hiểu biết và vốn kiến thức của GV thông qua Dự án tặng tài liệu quốc tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học
Cách đây khoảng 150 năm, nước Nhật từ một nước phong kiến lạc hậu (không khác gì nước Việt Nam lúc đó) có thể vùng lên trở thành một cường quốc về văn hóa, kinh tế, quân sự...không thua kém gì Mĩ, Anh, Pháp... là nhờ một phần rất lớn vào công cuộc cải cách giáo dục, đưa các sách khoa học, kĩ thuật, toán học... từ Mĩ và Châu Âu về dạy và học ở Nhật Bản.
Nhưng để làm được điều kì diệu đó, quan trọng nhất vẫn là mỗi người dân, mỗi giáo viên Nhật Bản đã không ngừng nghiên cứu, không ngừng học tập từ những nguồn tư liệu mới đó, để nâng cao nhận thức, để đổi mới mỗi bài dạy của mình...
Và giờ đây, khi mà nguồn tư liệu trên Internet là vô cùng phong phú, thì việc mỗi GV chịu khó tiếp cận, chịu khó học hỏi từ các tài liệu quốc tế để đổi mới bản thân, đổi mới mỗi bài giảng của mình, đem đến những bài giảng thú vị và ý nghĩa hơn cho người học lại càng vô cùng cần thiết!
Hướng tiếp cận của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC là cung cấp cho đội ngũ GV những nguồn tư liệu, SGK, các sách chuyên ngành, các bài giảng bằng tiếng anh... của các nước tiên tiến trên thế giới để làm nguồn tư liệu tham khảo không chỉ về những nội dung kiến thức cập nhật mà còn về các ý tưởng dạy học, cách tổ chức và tiếp cận dạy học theo định hướng phát triển năng lực của họ. Thông qua đó, GV có thể tự nâng tầm tư duy, nâng tầm những hiểu biết của mình, có thể tạo ra những bài giảng tiếp cận với những nền văn hóa tiên tiến, từ đó nâng cao được vốn hiểu biết chung của thế hệ trẻ - những người trực tiếp được họ đào tạo.
Trong tương lai, chương trình cũng đẩy mạnh việc tạo ra các khóa học online để thật nhiều GV ở mọi miền tổ quốc có thể biết đến những tư duy giáo dục mới như thế này. Hiện tại, chương trình tạo ra nhóm DẠY HỌC TÍCH CỰC trên mạng xã hội Facebook như là một diễn đàn mở, là nơi mà rất nhiều GV có thể cùng trao đổi, thảo luận về các bài giảng; đưa lên những kết quả mà mình đã làm được cũng như học tập ý tưởng từ rất nhiều GV khác. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo website: http://dayhoctichcuc.com và tận dụng kênh Youtube để đăng tải các video bài giảng miễn phí cho GV, để những GV dù không có điều kiện tham dự những khóa học trực tiếp vẫn có thể được cung cấp những nguồn tài liệu phong phú và có thể tự học, tự áp dụng để nâng cao hiệu quả công việc của mình.
Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm và còn phải cố gắng nỗ lực hơn nữa, chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC với những GV đã và đang cháy lên những ngọn lửa đam mê, vẫn luôn tin tưởng vào triết lý “thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình”, vẫn luôn tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho giáo dục nói riêng và cho đất nước Việt Nam nói chung.
MỌI THÔNG TIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ:
MR. TÙNG
Hotline: 0396.631.436 / 0328.024.995
Truy cập website: http://vimottrieugiaovien.gr8.com/ để nhận thêm tài liệu về các phương pháp dạy học tích cực!